Bảo vệ rừng

Bảo vệ rừng

Quyết liệt thực hiện giải tỏa lấn chiếm đất rừng trái phép

Thời gian qua, tình trạng lấn chiếm đất lâm nghiệp để sản xuất nông nghiệp diễn ra khá nhức nhối trên lâm phần do Ban Quản lý Rừng phòng hộ đầu nguồn Đa Nhim quản lý. Bên cạnh công tác quản lý, bảo vệ rừng, UBND huyện Lạc Dương đã chỉ đạo cho các cơ quan, đơn vị quyết liệt thực hiện các biện pháp nhằm xử lý giải tỏa, thu hồi đất để trồng lại rừng.

Các lực lượng tiến hành giải tỏa diện tích đất lâm nghiệp bị lấn chiếm trái phép tại tiểu khu 118, xã Đạ Sar

Ngày 13/9, chúng tôi theo chân các lực lượng gồm đại diện Hạt Kiểm lâm huyện Lạc Dương, Ban Quản lý rừng phòng hộ đầu nguồn Đa Nhim, UBND xã Đạ Sar cùng hàng chục hộ dân tham gia nhận khoáng bảo vệ rừng để thực hiện công tác giải tỏa diện tích đất lâm nghiệp bị lấn chiếm trái phép tại tiểu khu 118, xã Đạ Sar.

Cụ thể, các vị trí bị lấn chiếm trái phép thuộc lô f, khoảnh 1, tiểu khu 118 với diện tích 4.293 m2 và một vị trí bị lấn chiếm trái phép thuộc lô g, khoảnh 3, tiểu khu 118 với diện tích 3.476 m2. Tại đây, đất rừng đã bị người dân lấn chiếm và trồng các loại cây trồng như cây cà phê, dứa, khoai môn...; đồng thời, có 2 căn chòi được người dân xây dựng trái phép.

Trong đợt thực hiện giải tỏa này, các đơn vị chức năng đã thực hiện việc giải tỏa trắng toàn bộ phần diện tích đã bị trồng cây lấn chiếm trái phép, nhổ bỏ toàn bộ cây trồng, tháo dỡ công trình xây dựng, hàng rào bao chiếm...

Ông Hoàng Văn Tiềm - Trạm trưởng Trạm Quản lý bảo vệ rừng Đạ Sar thuộc Ban Quản lý Rừng phòng hộ đầu nguồn Đa Nhim cho biết, các diện tích do người dân lấn chiếm trên đã được đơn vị lập biên bản và thực hiện giải tỏa. Tuy nhiên, do lực lượng mỏng không giữ được nên người dân tiếp tục lấn chiếm và trồng cà phê. Để giải quyết dứt điểm tình trạng lấn chiếm này, đơn vị đã có báo cáo lên Ban Lâm nghiệp của xã Đạ Sar; đồng thời, UBND xã cũng đã có giấy mời trường hợp người dân lấn chiếm lên để làm việc. Tuy nhiên, các trường hợp vi phạm không nhận giấy mời và không lên làm việc.

Sau khi thực hiện xong việc giải tỏa, Trạm Quản lý bảo vệ rừng Đạ Sar và đặc biệt là nhân viên phụ trách tiểu khu 118 sẽ thường xuyên tuần tra, kiểm tra không để tái lấn chiếm; đồng thời, lập kế hoạch tổ chức giải tỏa nếu có tái lấn chiếm. Mặt khác, đơn vị sẽ cập nhật, khoanh vẽ các khu vực đồ giao khoán để tiện việc theo dõi và đưa vào kế hoạch trồng rừng nhằm khôi phục diện tích rừng trong năm.

Theo ông Hoàng Văn Tiềm, trên địa bàn huyện Lạc Dương thì xã Đạ Sar là địa phương có tình trạng vi phạm Luật Lâm nghiệp diễn ra khá phức tạp. Với đặc thù là xã chỉ cách trung tâm TP Đà Lạt khoảng 20 km, đường sá đi lại khá thuận lợi và đây cũng chính là nguyên nhân làm cho việc giữ rừng ở đây gặp nhiều khó khăn. Đa số người dân, trong đó có cả dân di cư tự do vào phá rừng, lấn chiếm đất, dựng lán, làm nhà ở để trồng cây nông nghiệp.

Để tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng, đơn vị đã phối hợp với Ban Lâm nghiệp xã tổ chức tuyên truyền, giáo dục người dân biết, nâng cao nhận thức bảo vệ rừng, phát triển rừng. Mặt khác, hàng ngày, các cán bộ của trạm cùng với hàng chục hộ nhận khoáng bảo vệ rừng sẽ chia thành nhiều mũi để làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát, qua đó báo cáo tình hình để tổ chức bảo vệ tốt diện tích đất, rừng.

Ông Đinh Hữu Đạo - Phó Trưởng Ban Quản lý rừng phòng hộ đầu nguồn Đa Nhim cho biết, để triển khai tốt công tác quản lý và bảo vệ rừng, thời gian qua, Ban Quản lý rừng phòng hộ đầu nguồn Đa Nhim đã tăng cường công tác chỉ đạo cho các đơn vị trực thuộc tăng cường phối hợp với lực lượng kiểm lâm cùng các địa phương có rừng trên địa bàn nhằm tăng cường triển khai nhiều biện pháp quyết liệt. Qua đó, số vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp trên địa bàn do đơn vị quản lý đã giảm đáng kể.

Thực hiện tháo dỡ các chòi xây dựng trái phép trên đất lâm nghiệp

Trong 9 tháng năm 2023, trên lâm phần đơn vị quản lý có 26 hồ sơ vi phạm Luật Lâm nghiệp, diện tích tác động là 1,7266 ha, khối lượng lâm sản 106,5 m3; trong đó, có 24 vụ đã xác định được đối tượng vi phạm, đạt tỷ lệ  92,3%.

Đặc biệt, thực hiện chỉ đạo của UBND huyện Lạc Dương, các đơn vị chức năng trên địa bàn đã tăng cường công tác phối hợp, thực hiện giải tỏa trên các diện tích đất lâm nghiệp bị lấn chiếm. Riêng trong 9 tháng đầu năm 2023, trên lâm phần Ban Quản lý rừng phòng hộ đầu nguồn Đa Nhim quản lý đã tổ chức giải tỏa các vị trí đất lâm nghiệp bị lấn chiếm trái phép trên tổng diện tích 108,6714 ha/ 478 vị trí; trong đó, lấn chiếm mới 73,1691 ha/ 338 vị trí, tái lấn chiếm nhiều lần 35,5023 ha/ 140 vị trí.

Mặt khác, các đơn vị cũng đã phối hợp thực hiện giải tỏa các vị trí khai thác khoáng sản trái phép được 5 đợt, tại các tiểu khu 142, 143, 133 và 119; tiêu hủy toàn bộ thiết bị, dụng cụ phục vụ công tác khai thác khoáng sản gồm 11 chòi, 3 xe rùa, 1 máy bơm nước, 1 máy thổi khí, 3 dàn rung, 2 máy nổ, 2 máy phát điện, 2 máy tời, 4 máy xay đá, 4 mô tơ điện, 420m ống nước, 400m dây điện, 1 cưa xăng, 2 quạt gió… Ngoài ra, các đơn vị cũng đã trồng được 61,9 ha với 117.131 cây thông ba lá, đạt kế hoạch thực hiện 65,81%.

Ông Lê Văn Chuyên - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Lạc Dương cho biết, nhìn chung, công tác quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn huyện đã có sự chuyển biến nhất định, tình hình vi phạm Luật Lâm nghiệp đã giảm sâu cả 3 mặt về số vụ vi phạm, diện tích rừng thiệt hại và khối lượng lâm sản thiệt hại so với cùng kỳ năm 2022.

Trong thời gian tới, Hạt Kiểm lâm huyện sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, ban, ngành chức năng tổ chức các đợt truy quét, giải tỏa các điểm nóng lấn chiếm đất lâm nghiệp, khai thác lâm sản, khoáng sản trái phép trên địa bàn quản lý. Phấn đấu giảm đến mức thấp nhất các vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp trên địa bàn. Đồng thời, đôn đốc kiểm lâm địa bàn, Ban Lâm nghiệp các xã, các hộ nhận khoán quản lý, bảo vệ rừng tổ chức tuần tra, canh gác thường xuyên nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn các trường hợp phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp, khai thác, vận chuyển lâm sản, khoáng sản trái phép…

Trồng cây hưởng ứng đợt công tác Dân vận tập trung năm 2023 tại xã Đạ Chais

Sáng ngày 12/9, Ban chỉ đạo 655 huyện Lạc Dương phối hợp với Ủy ban nhân dân xã Đạ Chais và Học viện Lục quân Đà Lạt tổ chức trồng cây hưởng ứng đợt công tác Dân vận tập trung năm 2023 tại xã Đạ Chais.

Các thành viên Ban chỉ đạo 655 của huyện, Lãnh đạo Ban Dân vận Huyện ủy; Lãnh đạo Mặt trận Tổ quốc và các Tổ chức chính trị - xã hội huyện; Cán bộ, chiến sỹ Ban Chỉ huy quân sự huyện; các đoàn viên thanh niên Học viện Lục quân Đà Lạt; lãnh đạo cấp ủy, chính quyền, mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể xã Đạ Chais đã tham gia trồng trên 1.000 cây mai anh đào dọc hai bên đường vào khu sản xuất Long Treng xã Đạ Chais với chiều dài gần 2 km.

Hoạt động trồng cây lần này nhằm thực hiện kế hoạch của Ban Chỉ đạo 502 tỉnh Lâm Đồng và kế hoạch của Ban Chỉ đạo 655 của huyện Lạc Dương về tổ chức đợt công tác dân vận tại xã Đạ Chais và hưởng ứng chiến dịch trồng 1 tỉ cây xanh do Thủ tướng Chính phủ phát động.

Được biết, trong đợt ra quân làm công tác dân vận tập trung tại xã Đạ Chais lần này, Ban Chỉ đạo 502 của tỉnh và Ban Chỉ đạo 655 huyện Lạc Dương đã hỗ trợ xây dựng công trình nước sạch hợp vệ sinh cho người dân thôn Đông Mang trị giá 3,1 tỷ đồng; nâng cấp và làm mới tuyến đường thôn Đông Mang với tổng kinh phí 3,2 tỷ đồng; khởi công xây dựng công trình nhà ở cho hộ gia đình chính sách, người có công với cách mạng và người dân có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn; sửa chữa nhà ở cho một số hộ nghèo, neo đơn tại địa phương…

Mục đích đợt công tác dân vận tập trung nhằm thắt chặt nghĩa tình quân dân và mối quan hệ gắn bó giữa Nhân dân với Đảng theo tinh thần “trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân, dựa vào dân, có trách nhiệm với dân”; chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho Nhân dân. Từ đó, góp phần xây dựng xã hội đồng thuận, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở cơ sở, xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững tại địa phương.

Bảo tồn nguồn gen, phục hồi hệ sinh thái rừng ở Lâm Đồng

Trước nguy cơ suy thoái của hệ sinh thái rừng, tác động của biến đổi khí hậu, sự suy giảm của đa dạng di truyền, công tác bảo tồn nguồn gen cây rừng trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đã được các nhà khoa học về lâm nghiệp gấp rút đặt ra. 

Quần thể cây thông 2 lá dẹt với cá thể hơn 1.200 năm tuổi ở Cổng Trời (Lạc Dương) đã được nghiên cứu và gấp rút bảo tồn nguồn gen

Với lợi thế về điện kiện tự nhiên đa dạng, các tiểu vùng khí hậu khác nhau trải dài trên các huyện, thành phố, Lâm Đồng được đánh giá cao về sự đa dạng hệ sinh thái, đa dạng về loài và về nguồn gen. Trong đó có 2 khu bảo tồn quan trọng là Vườn Quốc gia (VQG) Bidoup - Núi Bà và Cát Lộc (thuộc VQG Cát Tiên) là nơi chứa đựng giá trị sinh học cao với nhiều loài quý hiếm, nhiều loài có tên trong sách đỏ Việt Nam và thế giới, được ưu tiên bảo tồn.

Theo TS. Phạm Trọng Nhân - Viện Khoa học Lâm nghiệp Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, nguồn gen cây rừng tại Lâm Đồng đang bị suy thoái, nhiều loài có nguy cơ tuyệt chủng; sự phân mảnh và suy thoái của các hệ sinh thái do phá rừng, cháy rừng, ô nhiễm môi trường, du nhập và xâm lấn của các loài ngoại lai, tác động của biến đổi khí hậu. Tài nguyên cây rừng đang nghèo về trữ lượng, phân tán và có xu hướng dần suy giảm. Từ hơn 30 năm qua, Viện Khoa học Lâm nghiệp Nam Trung Bộ và Tây Nguyên đã quan tâm phối hợp điều tra, khảo sát, xây dựng phương án bảo tồn, thu thập hạt giống, cây con, cành hom, xây dựng một số khu sưu tập bảo tồn cho hàng chục loài cây rừng, tập trung vào 2 nhóm chính là: cây rừng quý hiếm, đặc hữu, bị đe dọa tuyệt chủng và cây rừng có giá trị kinh tế phục vụ trồng rừng sản xuất.

Công tác bảo tồn, phát triển, sử dụng đã tuân thủ đầy đủ 4 bước: điều tra, khảo sát mở rộng; thu thập, đánh giá; bảo tồn; phát triển, sử dụng. Từ đó củng cố cơ sở khoa học cho các nghiên cứu cải thiện giống cây rừng, trồng rừng. Việc khảo sát thực địa đã tập hợp tài liệu tham chiếu, đánh giá mức độ đe dọa cho 33 loài cây lá kim và tiềm năng gây trồng, trong đó loài thông đỏ đặc hữu của Lâm Đồng được đánh giá ở mức độ rất nguy cấp; loài pơ mu, bách xanh được đánh giá ở mức độ nguy hiểm; 3 loài thông Đà Lạt và bạch tùng ở mức sắp nguy cấp. Ngoài ra, 26 loài cây quý hiếm và có giá trị kinh tế đã được điều tra mở rộng, xác định cấu trúc tổ thành và xác định mối quan hệ giữa các loài trong quần thể tự nhiên để làm cơ sở khoa học cho việc bảo tồn và phát triển như pơ mu, thông đỏ, thông 5 lá, re gừng…

Việc bảo tồn nguồn gen cây rừng không ngừng được tiếp tục điều tra chi tiết, xác định phạm vi phân bố, đặc điểm lâm học, mối liên kết di truyền và đánh giá mức độ cho nhiều loài khác như lan kim tuyến, bạch tùng, giáng hương quả to. Qua đó, bạch tùng có số lượng từ 35 - 44 loài, phân bố rải rác, không phải loài cây chiếm ưu thế; tại VQG Bidoup - Núi Bà, quần thể bạch tùng có số lượng trên 50 cá thể/ha, cây có đường kính nhỏ (10 - 40,7 cm), chiều cao 8 - 20 m; các loài ưu thế của lâm phần là sơn trâm, hồng tùng, thông 5 lá. Giáng hương quả to phân bố trong rừng lá rụng (rừng khộp) và rừng bán thường xanh, ở những nơi có độ cao 20 - 680 m, tập trung ở nơi địa hình tương đối bằng phẳng, độ dốc 2 - 10 độ. Các quần thể giáng hương quả to hiện nay đều bị khai thác ở mức độ khác nhau, không còn nguyên trạng. Lan kim tuyến hầu hết phân bố ở kiểu rừng kín thường xanh mưa mùa nhiệt đới, ở độ cao 1.400 m tại vùng Bidoup với độ tàn che 0,85 - 0,95, chủ yếu mọc trên mặt đất giàu mùn, độ ẩm và độ xốp cao, thoáng khí, hoặc ngay trên lớp thảm mục của rừng. 

5 năm trở lại đây, Viện đã khảo sát mở rộng 11 loài cây quý hiếm và có giá trị kinh tế. Trong đó, 2 loài dổi lá to và đỗ quyên lá nhọn đã tiến hành điều tra đánh giá đặc điểm lâm học, thực vật học, chọn lọc cây đại diện và thu hái vật liệu di truyền tại khu vực Hòn Nga và VQG Bidoup - Núi Bà. Đã chọn lọc được hơn 20 cây đại diện dổi lá to và đỗ quyên lá nhọn để thu hái vật liệu nghiên cứu và gieo ươm trên 2.000 cây giống để trồng rừng bảo tồn. 

Từ đó, Viện đã tiến hành đánh giá đa dạng di truyền trong từng loài để phân loại mức độ biến dị di truyền giữa các loài, trong loài, trong mỗi quần thể để có quyết định lựa chọn quần thể được bảo tồn. Đơn cử với cây thông 2 lá dẹt, các nhà khoa học đã tiến hành phân tích tính đa hình AND từ 57 mẫu lấy từ 6 quần thể, cho thấy loài này chủ yếu được tạo ra từ quần thể Cổng Trời 102 (Lạc Dương), mức độ đa hình thấp, giới hạn phân bố hẹp, tỷ lệ hạt lép cao, là loài được khuyến cáo đang trong quá trình tuyệt chủng. Việc bảo tồn gen thông 2 lá dẹt nên tập trung vào việc tăng sự đa dạng di truyền và kích thước quần thể, không chỉ bảo tồn tại chỗ các quần thể có số lượng cá thể nhỏ từ 10 - 30 cây trong rừng tự nhiên mà còn xây dựng các khu rừng trồng bảo tồn chuyển chỗ; các biện pháp kỹ thuật chọn giống truyền thống như lai giống có kiểm soát giữa các cá thể trong các quần thể khác biệt về mặt di truyền được quan tâm, thực hiện sớm. 

Việc xây dựng và lưu trữ nguồn gen tại các quần thụ tại chỗ và rừng trồng bảo tồn chuyển chỗ được Viện tiến hành với 111 nguồn gen của 76 loài, trong đó có 45 nguồn gen của 29 loài bản địa quý hiếm qua việc thu hái hạt giống, cây con và cành hom. Có 22,7 ha rừng trồng bảo tồn chuyển chỗ đã được xây dựng mới; thực hiện số hóa kho hạt giống và kiểm tra tỷ lệ nảy mầm định kỳ cho từng lô hạt giống; xây dựng 1 phòng tiêu bản hạt để lưu trữ các loài cây bản địa. Hàng năm đều tiến hành chăm sóc, bảo vệ và đánh giá 27,5 ha rừng trồng bảo tồn và các khu bảo tồn tại Lâm Đồng cho các loài: lim xanh, giáng hương quả to, gụ mật, chai lá cong, dầu song nàng, dầu đọt tím, bạch tùng, bách xanh, kiền kiền, dổi xanh, thông 5 lá, ươi. Các nguồn gen của các loài này đều sinh trưởng và phát triển tốt. 

Cũng theo TS. Phạm Trọng Nhân, do nhiệm vụ bảo tồn nguồn gen cây rừng tương đối phong phú, diễn ra tại nhiều địa điểm, vùng sinh thái, bao gồm nhiều lĩnh vực khác nhau nên trong thời gian tới cần có sự phối hợp của các đơn vị nghiên cứu, các khu bảo tồn, vườn quốc gia, chủ rừng. Cần chú trọng hơn việc xây dựng các khu bảo tồn chuyển chỗ kết hợp với khảo nghiệm xuất xứ và hậu thế, đặc biệt là những loài cây nguy cấp và có giá trị kinh tế cao. Cần đầu tư trang thiết bị phục vụ công tác bảo tồn, bảo quản, lưu giữ các nguồn gen một cách đồng bộ, tránh thất thoát, giảm chất lượng các nguồn gen sau khi thu thập. Đẩy mạnh sự tham gia của người dân trong cải thiện nguồn gen các loài cây ưu tiên, bảo tồn đa dạng loài và đảm bảo hệ thống cung cấp các nguồn gen cây thuần hóa, cây con phục vụ nhu cầu trồng rừng sản xuất.

Lời thì thầm từ ngàn năm...

Khu vực Cổng Trời (xã Lát, huyện Lạc Dương) là nơi tập trung nhiều cây thông 2 lá dẹt, loài cổ thực vật đặc hữu được mệnh danh là “sứ giả” thời tiền sử và chỉ còn duy nhất tại Việt Nam. Và nếu du khách may mắn khi tới khu vực Cổng Trời cũng có thể bắt gặp loài khướu đầu đen má xám - cũng là loài chim duy nhất trên thế giới chỉ có ở Việt Nam

Để đến được khu vực Cổng Trời cách Đà Lạt 28 km, ở độ cao 1.800 m so với mực nước biển, theo tour của Khu du lịch Làng Cù Lần (thuộc Công ty TNHH GBQ) phối hợp với Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà tổ chức, những du khách thích leo núi và yêu thiên nhiên sẽ đi theo đường Trường Sơn Đông (tỉnh lộ 722), tập kết tại điểm dừng chân của Khu du lịch Làng Cù Lần, nhận vật dụng và lương thực thiết yếu cho chuyến đi (giày, gậy leo núi, thức ăn...)

Sau khoảng hơn 1 giờ đồng hồ di chuyển hoàn toàn trong rừng nguyên sinh, đi trên những thảm rêu, lá rụng mượt dày dưới chân và dưới các tầng tán thực vật che mát trên đầu, du khách sẽ tiếp cận quần thể gồm hàng chục cây thông hai lá dẹt thẳng đứng, cao sừng sững, vượt hơn hẳn các quần thể thực vật khác trong khu rừng

Điểm đến của chuyến đi là cây cổ thụ cao trên 30 m, có chu vi gốc tới 8 m và phải 7 người lớn nối vòng tay mới ôm trọn. Đây là cây thông lá dẹt được các nhà khoa học đánh giá tuổi thọ không dưới 1.200 năm. Tán cây có đường kính hơn 10 m, phủ mát cả một khoảng rộng quanh gốc cây

Thân cây xù xì, bám đầy rêu xanh và nhiều loài thực vật ký sinh. Gốc cây vươn rộng, trồi lên mặt đất, phủ dày mùn tạo nên lớp đệm xốp sâu cả mét, hình thành những ổ hang, hầm hố như một kho tàng cổ tích quanh gốc cây của loài cổ thực vật sống cùng thời với khủng long

Ngoài câu chuyện cây thông 2 lá dẹt cùng thời với khủng long còn có mặt tại Việt Nam và chính ở khu vực Cổng Trời của Lạc Dương (Lâm Đồng), du khách sẽ được nghe nhiều câu chuyện khác về những khát vọng và ước nguyện của các nhà khoa học khắp nơi trên thế giới khi hay tin phát hiện thông 2 lá dẹt ở Lâm Đồng

Theo wikipedia.org, thông 2 lá dẹt là một loài cây được nhiều nhà thực vật học trong nước và nước ngoài quan tâm, bởi nguồn gen quý, hiếm và độc đáo duy nhất ở Việt Nam với lá hình dải mác chứ không hình kim như các loài thông khác, đang được bảo vệ tuyệt đối trong tự nhiên ở khu rừng cấm Cổng Trời (xã Lát, huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng) - là nơi thông lá dẹt mọc tập trung nhất

Ngoài quần thể thông 2 lá dẹt, vùng núi ở độ cao trên 1.800 m so với mực nước biển này còn có hàng trăm loài loài động, thực vật đặc hữu và quý hiếm như phong lan, thông tre, thông lông gà, nấm linh chi cổ cò, hoạ mi... Đặc biệt là loài khướu đầu đen má xám. Khướu đầu đen má xám là loài đặc hữu của Việt Nam, có môi trường sống tự nhiên là khu vực núi đá vôi ẩm nhiệt đới và cận nhiệt, rừng cây bụi nhiệt đới ở độ cao lớn so với mực nước biển

Ông Văn Tuấn Anh - chủ nhân Khu du lịch Làng Cù Lần, cho biết: Hiện nay, loài chim khướu đầu đen má xám đang bị đe dọa tuyệt chủng vì mất môi trường sống. Vì vậy, những tour du lịch khám phá thiên nhiên, về nguồn... như tour du lịch đến với cây thông ngàn năm tuổi này, ngoài giá trị du lịch còn lan tỏa tinh thần yêu thiên nhiên, bảo vệ tự nhiên, giữ gìn môi trường sống và đặc biệt là bảo vệ những di sản vô cùng giá trị và hiếm hoi như thông 2 lá dẹt hay khướu đầu đen má xám ở khu vực Cổng Trời, ở xã Lát, huyện Lạc Dương

Huyện Lạc Dương sẽ trồng hơn 900.000 cây xanh trong năm 2023

Ủy ban nhân dân huyện Lạc Dương vừa ban hành kế hoạch trồng cây xanh năm 2023 trên địa bàn huyện, hưởng ứng Chương trình trồng 50 triệu cây xanh trên địa bàn tỉnh, 1 tỷ cây xanh trong cả nước giai đoạn 2021 - 2025. Trong năm 2023, huyện Lạc Dương sẽ trồng 900.725 cây xanh các loại.

Lãnh đạo UBND huyện cùng các lực lượng tham gia trồng cây xanh tại buổi lễ phát động năm 2022.

Theo kế hoạch, năm 2023 huyện sẽ trồng trên diện tích đất quy hoạch lâm nghiệp là 509.011 cây và đất quy hoạch ngoài lâm nghiệp là 391.714 cây xanh các loại, thực hiện từ tháng 5/2023 đến hết tháng 10/2023.

Trong đó, đối với đất ngoài lâm nghiệp sẽ được trồng tại các vị trí: đất trống (diện tích đất mới chuyển ra ngoài 3 loại rừng); dọc 2 bên các tuyến đường giao thông (quốc lộ 27C, tỉnh lộ 722, các tuyến đường giao thông mới được nâng cấp trên địa bàn các xã, thị trấn); tại các khu dân cư, đất ở, sân vườn của người dân; các công sở, công trình công cộng; cây che bóng trên đất sản xuất nông nghiệp. Với các đối tượng đất trồng này, huyện chia số cây phải trồng cho các địa phương cụ thể: xã Đưng K’Nớ 36.000 cây, xã Lát 64.568 cây, thị trấn Lạc Dương 63.740 cây, xã Đạ Sar 127.156 cây, xã Đạ Nhim 60.250 cây và xã Đạ Chais 40.000 cây.

Đối với đất quy hoạch lâm nghiệp, huyện sẽ trồng trên các đối tượng cụ thể: trồng rừng sau giải tỏa; trồng bổ sung mật độ để nâng cao chất lượng chất lượng rừng lá kim; trồng dải phân cách xanh trên phần đất quy hoạch lâm nghiệp giáp ranh với quy hoạch nông nghiệp; trồng xen khôi phục độ che phủ trên diện tích đất quy hoạch lâm nghiệp đang canh tác nông nghiệp ổn định. Với các đối tượng đất trồng này, huyện chia số cây phải trồng cho các đơn vị chủ rừng, cụ thể: Ban QLR phòng hộ Tà Nung 120.000 cây, Ban QLR phòng hộ đầu nguồn Đa Nhim 176.766 cây, Vườn Quốc gia Bi đuóp - Núi Bà 186.700 cây và các doanh nghiệp thuê đất, thuê rừng trên địa bàn 25.545 cây.

Hội LHPN huyện cùng cán bộ, nhân dân xã Lát ra quân trồng cây cảnh quan năm 2023.

Được biết, tổng kinh phí để thực hiện kế hoạch trồng cây xanh năm 2023 toàn huyện dự kiến là 34.346.887.000 đồng. Trong đó, ngân sách tỉnh là 22.357.094.000 đồng (phục vụ trồng rừng của chủ rừng nhà nước và hỗ trợ cây giống cho các xã), ngân sách huyện là 1.694.000.000 đồng, nguồn xã hội hóa 10.295.793.000 đồng (chủ yếu phục vụ trồng cây xanh các xã, thị trấn và các doanh nghiệp thuê đất, thuê rừng). Kế hoạch giai đoạn 2021 – 2025 của huyện phấn đấu sẽ trồng được tổng số 3.916.000 cây xanh các loại, trong 02 năm trước đó (2021 và 2022) đã trồng được 1.223.546 cây; năm nay và 02 năm tiếp theo sẽ hoàn thành trồng hơn 2.692.400 cây.

Sống theo lý lẽ của rừng

Rơ Ông Ha Tin, người đàn ông K’Ho miền Đưng K’nớ (Lạc Dương) đứng cùng tôi bên triền dốc mép buôn. Chỉ tay lên dãy núi sừng sững trước mặt, anh nói: “Từ xưa đến nay, người trong buôn mình đều nói rằng, đỉnh cao Yũ Till trên núi Yàng Hău là nơi có rừng thiêng, ở đó có ngọn giáo thần cắm sâu trên tảng đá khổng lồ. Không ai dám leo lên đó chặt cây, săn thú. Nếu ai vào lấy gì của rừng thiêng Yũ Till thì Yàng sẽ phạt nặng, có khi bắt phải chết đấy…”.

Rừng nguyên sinh Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà. Ảnh: Chính Thành

Vậy mà tôi thì lại thấy dãy núi Yàng Hău bên dòng sông Đạ Lôi đầu nguồn K’rông Nô hiện lên trước mặt một vẻ đẹp vô cùng hùng vĩ, đang định rủ Ha Tin vào đó một chuyến. Tôi hỏi, Ha Tin đã từng nhìn thấy ngọn giáo thần cắm trên tảng đá thiêng lần nào chưa? Anh bảo, nghe ông bà nói vậy chứ mình chưa bao giờ dám đặt chân vào đó. 

  • NƯƠNG NÁU RỪNG THIÊNG

Câu chuyện phủ màu huyền thoại của Ha Tin dân miền Đưng K’nớ làm cho tôi liên tưởng về những ngọn núi, những cánh rừng thiêng có mặt khắp nơi trên đại ngàn Tây Nguyên. Không chỉ thiêng liêng, núi rừng trên miền thượng du này vừa là những không gian sinh tồn, những không gian văn hóa đặc trưng. Giữa mênh mông đại ngàn, con người ngàn đời nay nương náu dưới tán rừng đã lựa chọn cho mình phương cách sống nương theo lý lẽ của rừng, đạt tới đỉnh cao là những minh triết rừng đã được hun đúc qua biến thiên thời gian. 

Bao năm lang thang khắp miền quê của con dân xứ thượng, tôi cảm nhận, núi rừng đối với họ vừa bí ẩn, hoang dã, vừa thân thiết, gần gũi. Trên đất Tây Nguyên này, ở đâu có núi rừng, ở đó có thần linh. Cả không gian đại ngàn đều là nơi ngự vì của các vị thần, nơi nào núi càng cao, rừng càng sâu thì thần linh nơi đó càng thiêng. Tôi đã thấy đồng bào Nam Tây Nguyên sùng kính nhiều vị thần của họ. Đó là Yàng N’du dựng nên trời đất, rồi Yàng Bnơm (Thần Núi), Yàng Bri (Thần Rừng), Yàng Ù (Thần Đất), Yàng Dà (Thần Nước), Yàng Máttơngai (Thần Mặt Trời), Yàng Kơnhai (Thần Mặt Trăng), Yàng Tiah (Thần Mặt Đất), Yàng Trồ (Thần Bầu Trời) và gần gũi, thân thiết như Yàng Kòi (Thần Lúa) lo cái ăn hay Yàng Hìu (Thần Nhà) lo sắp đặt chỗ ở. Tồn tại bên cạnh các vị phúc thần còn có muôn loài ma quỷ hiện hữu giữa núi rừng bí ẩn mà đồng bào gọi tên chung là “cà”. Các vị thần trong tâm thức của cư dân rừng, được phân công mỗi vị một việc. Thần cũng ngày đêm sớm tối cần mẫn lo sắp xếp chuyện sinh cơ lập nghiệp, lo cái ăn cái uống, lo sinh nòi đẻ giống cho muôn loài cư ngụ ở rừng. Trong khi các vị phúc thần dốc lòng phò trợ cho buôn làng no ấm, chứng giám cái hay điều tốt của cư dân cộng đồng, xử phạt những người làm việc xấu thì các thế lực “cà” chăm chăm rình rập làm hại lương dân. Người Tây Nguyên nương náu dưới tán rừng, họ vừa phải lo lễ lạt cho các vị phúc thần ưng cái bụng lại vừa phải làm vui lòng ma quỷ. Bên cạnh yếu tố tín ngưỡng đa thần “vạn vật hữu linh”, thì đó là cách cư dân rừng ứng xử với các thế lực siêu nhiên nhằm làm cân bằng đời sống tinh thần của chính họ…

Người Tây Nguyên luôn sống hòa hợp với thiên nhiên
 
  • TÔN TRỌNG, HÒA HỢP VỚI THIÊN NHIÊN

Các dân tộc bản địa Tây Nguyên ngàn năm sinh tồn giữa không gian đại ngàn nhưng không bao giờ họ tự nhận là chủ nhân núi rừng. Trò chuyện với nhiều già làng, tộc trưởng, tôi hiểu ra rằng, đồng bào ứng xử với tự nhiên như là một cách dự phần vào đời sống hoang dã. Họ coi mình là một thực thể cộng sinh, một thành phần trong muôn ngàn giống loài tự nhiên. Không dám phán xét mà xin được trân trọng về một mạch tư tưởng, một thái độ ứng xử thể hiện sự tôn trọng, sự hòa hợp giữa con người với không gian sinh tồn của mình. Đại ngàn hùng vĩ và nhân văn thêm bởi hệ minh triết rừng, bởi lẽ sống của con người giữa thăm thẳm mênh mang thiên nhiên.

Nhìn ánh mắt của Rơ Ông Ha Tin, tôi nghĩ rằng, anh đang nói về khu rừng thiêng nơi mình đang sống bằng một tâm tưởng lễ độ, một cách tự nguyện thực hiện quy ước giữa thần linh và con người từ thuở xa xưa. Thần có linh của thần, người có phúc của người. Giữa thiên nhiên hoang dã và bí ẩn, con người thật nhỏ bé, nhưng là sự nhỏ bé trong tâm thế bình đẳng. Trước núi rừng, trong tinh thần của cư dân rừng vừa có sự sợ hãi cố hữu vừa có sự thân thuộc thường ngày. Họ tìm cách đối thoại để thêm phần hiểu biết mà đối phó. Họ tìm kiếm phương cách đối đãi qua các nghi lễ nhằm đạt sự thỏa hiệp lại vừa hòa hợp bằng những phép ứng xử trở thành tập quán pháp. Và rồi, không biết tự bao giờ, lẽ sống của người ở rừng cũng hợp theo lý lẽ của rừng. Tươi xanh và cội cằn. Khoan hòa và thịnh nộ. Bao dung và tàn nhẫn. Dịu dàng và bạo liệt. Suốt bao đời qua, sống giữa đại ngàn hoang dã với muôn vàn đe dọa và cả những cơ hội vô tận, người ở rừng đã trải qua biết bao năm tháng gian nan và để lại một hệ thống di sản văn hóa đa dạng và lưu truyền một kho tàng tri thức bản địa vô giá…

Người già Yơ Lơng Ya Loan người Churu ở miền Đơn Dương nói với tôi rằng: “Từng có thời du canh, phát rừng làm rẫy, nhưng đồng bào mình ngày xưa không phát rừng tùy tiện. Người K’Ho, Mạ, Churu không tàn phá những cánh rừng đầu nguồn. Là những cư dân “ăn rừng” mưu sinh nhưng việc khai thác lâm sản của ông bà trong quá khứ chỉ dừng lại ở nhu cầu ăn, ở, sinh hoạt của cộng đồng mà không tạo nên sinh lợi về tiền tệ”. Không được chặt cây hay săn bắt thú vật ở khu rừng đầu nguồn, theo các già làng, nếu tự ý chặt, bắt ở những khu rừng này sẽ bị thần linh trừng phạt, gây mất mùa, dịch bệnh hay chết chóc. Thực ra, sống ở rừng, người Tây Nguyên nhận thức sâu sắc giá trị của rừng đầu nguồn đối với sự bảo tồn và phát triển hệ sinh thái tự nhiên. Khi canh tác nương rẫy, đồng bào cũng trừ lại những khoảnh rừng trên đỉnh núi. “Giữ lại để các vị thần có nơi trú ngụ”, nhiều người nói vậy. Nhưng thực sự bản chất của sự ứng xử này là khoa học, là tri thức và kinh nghiệm được hun đúc qua nhiều thế hệ cư dân bản địa. Người Tây Nguyên hiểu rằng, những khoảnh rừng này chống lại mưa lũ, xói mòn; đồng thời là tác nhân tái sinh các loại cây hoang dại khi rẫy được bỏ hóa trong quá trình luân canh.

Thời xưa, nếu thiếu một vài cây gỗ để làm nhà hay làm quan tài thì các gia đình xin phép chủ làng rồi đem lễ vật cúng ở vị trí cây định chặt hạ để xin phép thần linh. Theo các già làng, trước đây, mỗi khi dân trong buôn hạ cây, họ phải làm lễ cúng Yàng Bri (Thần Rừng). Lễ vật có gà, heo hoặc dê và không thể thiếu rượu cần. Tín ngưỡng thờ Thần Rừng với những kiêng cữ, nếu gạt bỏ những màn sương huyền bí, có thể thấy đó là một phương thức tác động vào tự nhiên một cách khoa học, ngăn chặn các hành động tàn phá rừng vô lối… 

Người K’Ho hát rằng: “Sông suối là của chung/ Cá dưới suối ai xúc cũng được/ Bắt ếch con còn chừa ếch mẹ/ Chặt cây tre phải chừa cây măng/ Đốt tổ ong phải chừa ong chúa/ Bẫy cá bằng thuốc sẽ làm suối nghèo…”. Luật tục của người Mạ cũng quy định rõ về những khu rừng nào thì được và những khu rừng nào thì không được tự ý chặt hạ, khai thác: “Brê krong, cau dồs/ Brê Yàng, cau dồs/ Brê rơlau, ờ dồs…” (Rừng thiêng, bị phạt/ Rừng thần, bị phạt/ Rừng thường, cứ việc…). Với những tri thức, kinh nghiệm, từ xa xưa, cư dân rừng đã có ý thức cao trong việc bảo vệ tài nguyên. Phương thức tác động, cách ứng xử chứa tính nhân văn sâu sắc, thể hiện sự hiểu biết và tôn trọng thiên nhiên. Quy ước bảo vệ rừng thể hiện rõ trong các bài văn vần pơn dik-pơn ding, nrí-nrình (luật tục) của cộng đồng. Ở đó, quyền lợi gắn liền với trách nhiệm, hình phạt. Trách nhiệm là chính, còn hình phạt có chức năng củng cố trách nhiệm. Không phân biệt người trong hay ngoài cộng đồng, hễ vi phạm rừng thiêng sẽ bị xử phạt theo luật tục: nhẹ thì phải cúng một con gà, một chóe rượu; nặng thì phải cúng dê, trâu tạ lỗi Thần Rừng. Ở cộng đồng người Mạ, khi một người đàn ông đến tuổi trưởng thành, bản thân anh ta nhận thức được rằng, mình đã mang rất nhiều món “nợ”: nợ cha mẹ, họ hàng, làng buôn, nợ các thần linh, nợ núi rừng đã nuôi sống anh ta. Chính vì ý thức mang món “nợ” tinh thần đó, mà khi “ăn rừng”, người đàn ông Mạ chỉ lấy từ rừng những gì mình cần, lấy vừa đủ, không để dư thừa, phí phạm hoặc lấy nhiều để tích lũy. Vì khi lấy đi từ rừng một sản vật nào đó, anh lại nợ thêm thần núi, thần rừng một giá trị tương đương mà có khi phải trả bằng cả mạng sống của mình… 

  • KHÔI PHỤC “TÂM THẾ” RỪNG 

Trong những chuyến điền dã cùng các nhà nghiêm cứu văn hóa hoặc tham gia các đoàn khảo sát lâm nghiệp, chúng tôi đã được ghi nhận rất nhiều những tri thức liên quan đến thiết chế “làng - rừng” cổ truyền. Một điều căn cốt mang tính kế thừa sâu sắc từ xã hội Tây Nguyên ngày xưa, mà chúng tôi đồng tình với nhận định của nhà nghiên cứu Nguyên Ngọc: “Trong thẳm sâu tâm hồn của đồng bào, có một tình cảm ruột thịt và một lòng kính trọng thiêng liêng với rừng, họ coi cây rừng đúng như một sinh vật sống, cũng có linh hồn, cũng tràn đầy cảm xúc, cũng vui sướng, hạnh phúc, khổ đau. Người Tây Nguyên sống theo “đạo đức của rừng”, vươn tới sự hoàn thiện, hiền minh như rừng. Mất rừng thì con người và cộng đồng người mất đi cái nền rộng lớn, bền chặt, thẳm sâu nhất của mình, trở nên bơ vơ, tha hóa, mất gốc, mất cội nguồn. Văn hóa Tây Nguyên là văn hóa rừng. Toàn bộ đời sống văn hóa đó, từ hệ giá trị đến những tín hiệu nhỏ đều là biểu hiện mối quan hệ khăng khít, máu thịt của con người, của cộng đồng với rừng”. Ông Nguyên Ngọc cũng từng khái quát, làng Tây Nguyên ngày xưa từng sở hữu các loại rừng: rừng thiêng; rừng đã thành đất thổ cư; rừng sinh hoạt và rừng sản xuất. Tất cả các loại rừng đó đã hợp thành không gian sinh tồn, đồng thời tạo nên một không gian xã hội. Và như thế, làng ở Tây Nguyên là một thiết chế “làng - rừng”… 

Ngày xưa, ngàn đời nương náu dưới tán rừng, cư dân rừng đã tạo ra một hệ minh triết hòa hợp theo lý lẽ của rừng; vừa thiêng liêng, vừa gần gũi, vừa nhân văn và cũng vô cùng thực tế. Ngày nay, thiết chế xã hội, phương thức mưu sinh và tín ngưỡng của đồng bào đã có những biến đổi quan trọng. Rừng Tây Nguyên bây giờ là một phần trong kho tàng tài nguyên quốc gia; đồng bào các dân tộc thiểu số trở thành một lực lượng quan trọng trong công cuộc bảo vệ và phát triển vốn rừng. Bởi vậy, khôi phục “tâm thế” rừng để phát triển bền vững Tây Nguyên là khôi phục cả một hệ sinh thái đa dạng và đặc sắc, khôi phục không gian văn hóa ngàn đời, khôi phục hệ minh triết rừng mà đồng bào từng sáng tạo, đắp bồi và trao truyền qua nhiều thế hệ. 

Phản ánh mới

Phản ánh bình thường

Kiểm tra san ủi

Kiểm tra san ủi

19/04/2024 10:35

Thị trấn Lạc Dương, Huyện Lạc Dương, Tỉnh Lâm Đồng, Việt Nam
Phản ánh khẩn

Kiểm tra hệ thống chiếu sáng

tại vị trí ngã ba này và trước cửa hội trường KP bon đơng 2 chưa có đèn chiếu sáng ban đêm, gây nguy cơ tiềm ẩn tai nạn và khó khăn cho bà con đi hội họp ở Nhà sinh hoạt cộng đồng này, kính để nghị cơ quan chức năng xem xét lắp đặt thêm, trân trọng cảm ơn

11/04/2024 16:59

122 Phạm Ngọc Thạch, Phường 6, Thành phố Đà Lạt, Lâm Đồng_ngã ba đường thống nhất với đường bon đơng, gần sn 124 thống nhất
Phản ánh bình thường

Đề nghị kiểm tra số điện nước

Kiến nghị UBND huyện xem xét việc Công ty cấp thoát nước không đi ghi số nước của người dân mà tự động điền số nước theo mức trung bình sử dụng hàng tháng. Sai lệch so với số nước thực tế trên đồng hồ nước.

11/04/2024 16:59

Thị trấn Lạc Dương, Huyện Lạc Dương, Lâm Đồng
Phản ánh khẩn

Kiểm tra, xử lý nước thải

2 nhà phía trên hẻm 35 tố hữu cụ thể là nhà thu bé và hà kiều xả nước thải ra đường hẻm 43 gây ướt đường ô nhiễm hôi thối . cần mong cơ quan chức năng giải quyết vẫn đề này giúp bà con

11/04/2024 16:58

Huyện Lạc Dương, Tỉnh Lâm Đồng, Việt Nam_hẻm 43 tố hữu tt lạc dương
Phản ánh bình thường

Kiểm tra san ủi

Có máy múc và có hoạt động san ủi

29/01/2024 10:16

Huyện Lạc Dương, Tỉnh Lâm Đồng, Việt Nam
Xem thêm 

THỐNG KÊ KẾT QUẢ XỬ LÝ PHẢN ÁNH

THỐNG KÊ MỨC ĐỘ HÀI LÒNG CỦA PHẢN ÁNH

Thông tin tuyên truyền Xem thêm